Chương 2: Phi Vân

“Thư này cũng chuyển tới Hiển Sơn ạ?”


Toà Hữu trạch viện của Vương phủ Lũy Xương đã sớm thức giấc khi ánh bình minh vừa hé rạng. Phạm Minh Quang đang đứng ở bên thư án sắp xếp văn thư, người hầu đi lại tấp nập với từng khay từng tráp đầy tay, uyển chuyển bước qua lại giữa thư phòng và buồng trong. Khi cầm đến hai phong thư, y chững lại rồi hỏi. Từ bên trong phòng ngủ, sau lớp mành trúc được vén ra vén vào liên tục, Trịnh Liên ho nhẹ rồi nói vọng ra.


“Ừ. Một gửi cho Đinh gia, một gửi cho Giám Duyệt Đốc, con nhớ dặn người, phong niêm dấu đỏ gửi đến công đường là được, còn phong còn lại phải giao tận tay Đinh đại đương gia.” Nói rồi bà lại ho khan vài tiếng, quay qua người hầu vừa tiến vào buồng. “Bát đó mang ra cho cậu Quang, bát của ta và Thế tử sao đã mang lên rồi? Mang xuống hâm nóng, đợi Thế tử đến rồi hẵng mang lên cho nóng.”


“Dạ…” Hữu nội vụ chưởng thị là một người đàn bà đứng tuổi, bà tất bật cả buổi với đám người ở mới cả buổi, tấm lệnh bài gỗ đào khắc chữ “hữu” vẫn còn đang cài vội trên thắt lưng, giờ mới chợt sực tỉnh nhận ra kẻ dưới đã bưng tới ba bát canh đỗ vào buồng ngủ của chủ nhân, liền phẩy tay ra hiệu cho tỳ nữ trẻ vừa vào mang theo bát quay ra ngoài dâng lên cho Phạm Minh Quang, rồi trù trừ ghé lại thưa, “bên Thế tử bảo rằng Ngài đã dậy từ canh năm rồi ạ, đúng giờ Mão sẽ đến đây nên con cho bọn nó làm luôn, đặng để tiện có Công tử ở đây luôn ạ.”


Phạm Minh Quang đang xếp thư nghe được vậy cũng dừng tay lại, đưa mắt nhìn vòng hương đang cháy gần hết trên bàn.


Sắp tới giờ Mão rồi. Lý Tình vẫn thường hay dậy sớm như vậy, nhưng hiếm lắm mới có dịp cùng nhau ăn sáng. Dạo này sáng nào y cũng sắp xếp thư từ rồi đưa cho Phi vân trạm trên đường lên tường thành xem xét việc tu sửa, phải đến gần giờ ngọ mới về. Mà bình thường thì nàng sẽ không thích ăn sáng quá sớm. Y đảo qua đảo lại giữa hai lựa chọn, cuối cùng vẫn cầm bát canh đỗ đen nóng hổi lên uống một hơi cạn đáy rồi và hết đỗ với thịt vào nuốt chửng trong một lần.


“Lần sau lấy bát to hơn cho ta nhé, cô bé mới tới.” Y quay sang cười với nữ tỳ trẻ đang kinh ngạc nhìn mình, vừa trả bát canh về khay của nàng ta. Y hai mươi tuổi, rất cao lớn, lại có gương mặt chữ điền điềm đạm hòa nhã. Nữ tỳ bị nụ cười tỏa nắng của vị công tử hun đến mức ngượng chín mặt, bẽn lẽn cúi đầu, quên cả vâng dạ.


Phạm Minh Quang thì không để ý nhiều, chỉ cầm tập thư lên đập đập mấy cái lên mặt bàn cho ngay ngắn rồi nhanh nhẹn gói ghém lại vào khăn vải, xong xuôi liền tót ra ngoài. “Cô ơi, con xin phép đi trước ạ.” Y nói với lại với Trịnh Liên.


Bà chỉ ừ một cái với thanh niên rồi vừa khẽ cười vừa thở dài lắc đầu. Vịn tay thị nữ, bà đứng dậy khỏi giường rồi vẫy tay gọi người hầu đang bưng chồng y phục lại, tỏ ý cho họ giúp bà mặc phục sức, rồi lại ra hiệu cho Chưởng thị lại gần rồi dặn bà ta. “Cứ đem canh của ta và Thế tử đi ủ đi. Chốc nữa ta và con vừa uống vừa làm việc. Lần sau Thế tử không dặn thì đừng làm sớm.”


“Dạ.” Bà ta cúi đầu thưa rồi tự mình mang canh ra ngoài.


“Yến.” 


Nghe tiếng Trịnh Liên gọi mình lại, bà ta liền cho người dưới thay mình đem canh xuống rồi quay lại cung kính đáp. “Con đây ạ.”


“Ban nãy ngươi nói Thế tử mấy giờ đã dậy rồi?”


“Dạ, đầu canh năm ạ. Ban nãy Vũ Tả thị dặn lời của Thế tử, bảo rằng Ngài dặn đúng giờ Mão sẽ đến hầu Vương phi, còn việc Thế tử giờ Dần đã dậy thì Thế tử dặn không nói ạ.”


Trịnh Liên nghe vậy gật đầu. “Ta giữ cho các ngươi lần này, lần sau đừng bép xép sau lưng chủ. Lui ra đi.”


Ngô Yến dạ một tiếng rồi cúi đầu lui ra, bà ta vừa mới vén mành lên thì có tiếng chuông ngân. Vừa đúng giờ mão, bên ngoài liền lục đục tiếng thị vệ và thị tỳ hành lễ.


“Thế tử.” Ngô Yến cung kính hành lễ.


“Ngô Hữu thị.” Giọng Lý Tình vang lên từ ngoài bậc thềm, có chút uể oải, nhưng vẫn nghiêm túc lạnh lùng, dù cho giọng cô nhóc vẫn còn vương vị ngọt trẻ con thì sự già dặn uy nghiêm đã chiếm phần nhiều. Nó chưa ở với cha nó ngày nào trong đời, nhưng giống thì cả lông lẫn cánh, Trịnh Liên vừa chỉnh lại vạt áo, vừa nghĩ vậy.


“Mẹ sao rồi?” 


“Bẩm, Bà thấy khỏe hơn hôm qua rồi ạ. Sáng nay con bảo phòng bếp làm đỗ đen hầm đuôi lợn, đang để ủ nóng rồi ạ.”


“Pha thêm ấm trà hoa cúc, khi đem lên nhớ mang cả mật ngâm chanh đào. Canh thì cứ để vậy, khi nào ta gọi thì mang lên.”


“Dạ… thưa Ngài, ban nãy con chưa kịp hỏi Cậu, trưa nay…”


“Anh sẽ về trước giờ Ngọ, cứ chuẩn bị bữa như bình thường, nếu anh về muộn thì mang lên để mẹ ăn trước rồi nghỉ ngơi, ta và anh sẽ dùng bữa riêng.”


“Dạ.”


Trịnh Liên cài lại tóc. Sắc trời vẫn chưa tỏ hoàn toàn. Nhưng mặt trời mùa hè thức dậy rất nhanh, qua tấm mành tre, bà đã có thể nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhắn của con mình đi vào phòng. Dạo này bà như gặp ảo giác, bóng hình nhỏ bé chớp mờ ấy như đang cao dần lên từng ngày. 


Mành được vén lên. Người hầu trong phòng nhanh chóng khom người hành lễ trước người chủ nhân vừa mới bước vào. 


Cô bé vẫn rất thấp. Bà chợt nghĩ vậy khi con cuối cùng cũng đứng ngay trước mặt bà.


Lý Tình nhận lấy chuỗi tràng hạt từ người hầu trước khi họ đều cúi đầu lui ra ngoài. Cô bé không nói gì, chỉ đi tới giúp mẹ quấn chuỗi hạt làm bảy vòng, Trịnh Liên đưa tay ra cho con, và cô bé đeo chuỗi hạt ngay ngắn lên cổ tay bà.


“Con không có gì muốn kể cho ta à?”


Bà hỏi khi vừa khẽ vịn lên vai con để đi ra ngoài.


Từ trên nhìn xuống, bà có thể thấy rõ con mình đang mím môi lại. Cô bé chỉ lặng lẽ đi thật chậm để bà tựa vào mình, tay vẫn luôn đưa lên để trực đỡ nếu bà có vấp ngã.


Khi con bà biết nó đã làm sai điều gì đó, làm điều gì đó sẽ khiến bà không vui hay lo lắng, nó sẽ luôn tìm cách giữ im lặng.


Không chối quanh, không đổi chủ đề, không nói gì cả, chỉ khẽ mím môi. Bà biết nếu nó cao hơn, bằng tầm mắt với bà, hẳn nó đang nhìn bà với một ánh nhìn tội nghiệp, đủ để bà không nỡ hỏi thêm gì nữa.


Giống hệt cha nó.


Lý Tình vén mành cho bà, đỡ bà ngồi bên thư án. Con bé đứng vịn bên bàn nghỉ một lúc rồi mới đi tìm giấy bút mực nghiên rồi ngồi xuống ghế của mình.


Cả dọc đường nó vẫn cứ im lặng, và bà vẫn nhìn chăm chú vào gương mặt nó. Bến dưới lớp sương phấn mỏng, vẫn thấp thoáng thấy được những đường mạch xanh và sắc xám xịt nơi khóe mắt. Hôm nay sắc mặt nó tệ hơn, rõ ràng Tả Hữu thị đã không nói dối điều gì. Vốn dĩ sức khỏe nó đã không tốt, nhưng Trịnh Liên không có món quà mà thánh thần ban tặng, nên bà cũng chẳng có cách nào để giúp nó cả. Từ khi nó còn bé xíu trong vòng tay bà, những điệu hát ru bà từng đưa con trai mình vào giấc dễ dàng đã không có tác dụng gì với đứa con gái nhỏ này. Nên bà chỉ có thể nhìn, và cơn xót xa trong bụng lại càng đầy thêm.


Lý Tình vừa mài mực vừa cảm nhận được ánh nhìn của mẹ vẫn dính lên hai quầng thâm đen xì dưới mắt mình, cuối cùng không nhịn được mà ngước nhìn bà, ỉu xìu nói. “Mẹ…”


“Rồi mà rồi mà.” Trịnh Liên không nhịn được mà đưa tay véo nhẹ cái má chẳng có tí mỡ nào của con mình. Phấn trắng níu lại nơi ngón tay bà, tim Trịnh Liên hẫng lên một nhịp khi chợt nhận ra màu sắc bên dưới cũng không hồng hào hơn là bao. Bà gắng hết sức để kìm lại cơn cay nồng nơi sống mũi, nhẹ nhàng cười với con: “Mẹ không hỏi nữa.”


“Một canh giờ dậy sớm thôi mà cứ như trời sập.” Lý Tình như không nhìn ra cơn xúc động của bà, chỉ quay đi, cất gọn thanh mực, với tay lấy ba cuộn trúc để bên tay trái mình rồi mở một cuộn ra xem. Vừa đọc vừa viết tiếp bản ghi trước mặt. “Sáng ra ở phủ chưa được nửa canh giờ, vậy mà anh cũng rõ như lòng bàn tay, đúng là người đâu chẳng nể nang ai bao giờ.”


Trịnh Liên biết ngay hai đứa đã lướt qua nhau rồi, đủ để Phạm Minh Quang còn kịp báo giờ về ăn trưa và chọc cho Lý Tình nguôi giận. 


Bà thực sự cảm thấy biết ơn. Nếu không có Phạm Minh Quang, có lẽ bà sẽ không biết phải làm thế nào.


Kể từ khi con trai và chồng bà qua đời, kể từ khi bà ẵm Lý Tình trong tay lần đầu tiên, khi bà phải ngồi lên vị trí này của vương phủ, bà đã luôn bất an. Nhưng Phạm Minh Quang lại luôn là đứa trẻ khiến bà có thể yên tâm. Cũng là người hiếm hoy có thể nói chuyện thoải mái và khiến con gái nhỏ của bà cười.


Trong phòng tĩnh lặng một khoảnh. Lý Tình vẫn chăm chú ghi chép sổ sách, còn Trịnh Liên cũng chỉ ngồi bên đọc xem con làm việc ra sao. Việc của bà hôm nay không vội được.


Ngô Yến đã quay lại.


Bà ta bưng trà đứng chờ tại thềm cửa. Lý Tình ngừng bút nhìn mẹ một chút, rồi gọi ra: “Mang vào đi.”


Ngô Yến được cho phép liền nhanh chóng tiến vào.


Trà hoa cúc vàng nóng hổi được rót ra, nhuộm một tầng hương thơm khắp phòng. Sau khi rót trà và dâng mật ong cho Trịnh Liên xong, Ngô Yến lại không dám tự tiện đặt tách của Lý Tình lên thư án mà bưng tách trà nóng đến mức bỏng tay, cúi đầu đứng yên ở bên cạnh Thế tử như chờ trách phạt. Bà ta đã nắm chức Hữu nội vụ chưởng thị này được hai mươi năm, hầu bên Trịnh Liên hai mươi tám năm, chưa bao giờ làm phật ý chủ, dù có là tiên vương Lý Duật Hoàng. Bà ta vẫn luôn là kẻ biết lễ phép. 


Trịnh Liên chỉ nhấp một ngụm trà nóng rồi ngậm một thìa mật. Mật mát lạnh làm dịu cổ họng bà.


Bà không can thiệp vào quyết định của Lý Tình.


Nhưng bà cũng biết chắc con sẽ làm thế nào, Phụng Hạc đã dạy con bé rất tốt.


Lý Tình không để Ngô Yến đứng lâu hơn, cô bé bình thản đưa tay tự lấy tách trà nóng và uống. Ngô Yến không dám cả thở phào mạnh để chủ nghe thấy, bà ta vẫn đứng yên không dám nhúc nhích. Cho đến khi Thế tử nhẹ nhàng nói: “Trà này hôm nay lại là Ngô Hữu thị đích tay pha.”


Ngô Yến nhanh nhẹn đáp: “Thế tử thứ tội ạ. Đám hạ nhân này vừa mới tới, vẫn chưa quen mặn nhạt của Vương phi và Thế tử nên con đâu có dám để chúng nó tự làm.”


Lý Tình không biểu tình gì, chỉ nâng bút lên tiếp tục viết, khi Ngô Yến nói hết, cô bé liền bảo: “Vẫn ngon như ngày nào.”


“Thế tử quá khen ạ.”


“Mang canh lên, ta không ăn đuôi lợn, nếu thừa thịt thì các ngươi chia nhau ăn đi.”


Ngô Yến liền quỳ xuống, mừng rỡ nói “Tạ Thế tử ban ơn” rồi nhanh nhẹn đứng dậy lui ra làm việc.


Trịnh Liên không khỏi mỉm cười.


Con gái bà rất giống cha nó, nhưng còn biết bao dung hơn Lý Duật Hoàng.


Lý Tình cũng là đứa khiến bà yên tâm.


Canh đỗ đen được nhanh chóng mang lên, nóng hổi. Bát của Lý Tình chỉ có nước và đỗ, còn bát của Trịnh Liên thì đầy đủ sắc hương. Táo tàu hay thịt đuôi lợn đều đã được cẩn thận tách xương tách hạt, không cần gặm cắn gì, chỉ cần bỏ vào miệng là tan.


Không thể không nói, Ngô Yến là kẻ chu đáo khôn ngoan hiếm có.


Hai mẹ con cùng nhau dùng bữa mà không nói gì. Bữa sáng rất nhanh đã xong. Trà cũng đã gần như vơi hết.


Ngô Yến ngay lập tức cho người dọn bát đũa xuống, rồi còn thay một ấm trà mới lên.


Khi kẻ hầu người hạ đã tất bật rút hết xuống, cuối cùng Trịnh Liên cũng đưa tay lấy tập tấu trình mới gửi tới từ các huyện.


“Đã tập hợp đủ rồi ạ?” Lý Tình hỏi.


“Chưa đâu. Mới được chín huyện thôi, Thịnh An vẫn chưa chuyển tới.”


“Thịnh An ạ?” Lý Tình dường như có hơi bất ngờ, cô bé ngước mắt lên khỏi giấy bút sổ sách ruộng đất. “Dương thị có nói gì không ạ?”


“Anh con vừa báo rằng Văn Quyết đã tự mình xuống Thịnh An Giám huyện phủ để đôn đốc.” Trịnh Liên ngừng một chút, rồi bà che miệng ho rất khẽ, khi tay áo buông xuống, bà nói: “Thanh Sơn Quận phủ không dám tấu bừa, nhưng tra soát qua một lượt, bản tấu trình này không dâng được. Dương Thanh Sơn hầu đã đích thân soạn một bản mới rồi.”


Lý Tình gác lại bút lông, khẽ ngửa ra sau tựa lên lưng ghế. Trịnh Liên nhìn vào biểu cảm u ám của con, rồi đón ánh mắt và câu hỏi của cô bé. “Đốt chưa ạ?”


“Chưa. Lưu lại rồi.” Trịnh Liên đáp, rồi lấy từ trong tay áo ra một bức thư, đẩy tới trước mặt Lý Tình. Cô bé vẫn tựa lưng ghế, hạ mắt nhìn xuống bức thư. Dấu đỏ niêm phong của Dương thị còn tươi mực, giấy thư gấp cẩn thận thẳng tắp. Chỉ vừa mới tới sáng nay. 


Con bé không đọc. 


Lý Tình kẹp bức thư xuống dưới bản ghi chép đang viết, rồi nhìn mẹ mà nói: “Vàng ròng bạc trắng phải tính toán cẩn thận. Kho bạc Thịnh An nắm cả cảng Viễn Châu và cảng Trúc Yên, phức tạp khó lường cũng là dễ hiểu. Nếu như Thịnh An Giám huyện không tính được, vậy thì cứ để Dương hầu gia tự tra xét cho cẩn thận đi. Con đồng ý ạ.”


Trịnh Liên gật đầu với con. 

Không ai cần đọc bức thư ấy nữa cả.

Tất cả nằm trong tay của Hầu gia Dương Mục và con trai ông, Dương Văn Quyết. Vương phủ không biết gì hết.


Bà quay lại, bắt đầu mở dấu niêm phong tập tấu trình. Lý Tình chỉ tiếp tục hoàn thiện bản tổng thuế và ruộng mới của Luỹ Xương trong nửa đầu năm. Bản ghi sẽ được trình lên Triều đình, lưu vào Thậm Xích liên sách của Triều đình.


Số liệu của tất cả những bản ghi này phải khớp với nhau, hoặc đích thân Vương phủ phải giải trình những sai khác cùng với Giám Duyệt Đốc.


Không một thứ gì được phép giấu diếm trước mắt vua.


Một khi bà đã mở thư, dù có phê dấu của vương phủ hay không, tập tấu trình này sẽ phải dâng lên cùng với tấu trình mà Lý thị dâng triều đình. Đây là kho bạc của Lũy Xương, cũng là đồ trong túi Hoàng Đế, những điều Trịnh Liên xem trong những giấy thư này là trách nhiệm mà Lũy Xương vương phủ phải chịu trước Hoàng Đế. Nếu như có thất thoát nặng nề nào, thì ắt có kẻ không giữ được đầu mình trên cổ. Tháng sáu đã sắp tới, những tấu sớ giải trình tiền bạc thuế má ruộng đất này không thể chậm trễ hơn được nữa. Thịnh An thuộc Thanh Sơn, Thanh Sơn Hầu lên tiếng thay ắt là đủ hợp tình hợp lẽ, triều đình nếu không rảnh rỗi quá đà thì sẽ không truy cứu kỹ.


Mở thư, phê dấu, tất cả đều là quen tay dễ làm. Bàn tính của Vương Phủ đã khớp sẵn số, trên tấu trình ngân sách chín huyện đều đã đóng ấn đỏ của năm Giám quận phủ, sáu đại gia tộc, tuyệt đối không thể lộ sai sót nào. Giám Duyệt Đốc quan đang ở Hiển Sơn, dự rằng năm ngày sau sẽ tới vương phủ mang theo sổ sách hồi kinh, bản tấu mới ắt cũng sẽ được Thanh Sơn hầu phủ gửi tới trong nay mai. Xét thời gian mà nói, cũng là đúng hẹn. 


Ngoài con dấu Hầu phủ trên bản tấu huyện Thịnh An thì tuyệt không có gì bất thường.


Không có kẻ ngu nào trong Ngoại Đình sẽ moi móc một con dấu ra để tra khảo Lũy Xương xa xôi ngàn dặm cả. Ngay cả nếu có, Nội Đình cũng sẽ không phê chuẩn.


Đáng ra sẽ không có gì quá đáng lo.


“Cô. Tình.”


Tiếng gọi khiến người vốn đang tĩnh tại giật mình ngẩng đầu.


Phạm Minh Quang đột ngột tiến vào thư phòng. Y vẫn còn đang khoác phi phong, ủng dính bị đất vẫn còn chưa cởi.


Sắc mặt y rất tệ. 


Y không thể không thấy tệ. Vốn dĩ y chỉ qua Phi Vân trạm chuyển thư, nhưng lại được nhận lại một bức cấp báo.


Một chuyện trời long đất lở có thể xoay chuyển cả Đại Bàng.


Đại Bàng có Hoàng Đế. 


Nhưng ngai báu trước nay đều luôn không yêu mến kẻ bất tài như Ngài.


Em họ Ngài cai trị Định Phủ rộng lớn nơi biên thùy, mang theo tất cả những gì ngai báu cần ở kẻ thống trị. Làm tường đồng vách sắt, thề trung thành với Ngài, làm trữ quân của Ngài.


Cân bằng một cán cân mong manh.


Nhưng một viên cân vừa trật khỏi chỗ.


Phạm Minh Quang bước tới đặt cấp báo từ Định Phủ lên trên tấu trình, trên sổ sách. Trước mặt Trịnh Liên và Lý Tình.

Y thấy Lý Tình nhìn y. Y thấy hình phản chiếu của mình run rẩy dao động bên trong mặt gương đen ấy. Phạm Minh Quang gần như thấy ánh mắt ấy bóp nghẹt mình. Y muốn đưa tay ra nói với Lý Tình câu y vẫn hay nói: Không sao đâu.

Nhưng y biết, đó là một lời nói dối vô ích.


Mồ hôi trên trán chảy xuống thấm vào mắt y, nhưng y không để ý.


Từ ngữ nhộn nhạo trong bụng được suy tính kỹ càng, ba bận năm phen, rồi mới tuồn ra khỏi họng.


“Cấp báo. Định Phủ vương đã qua đời. Thi thể Ngài được tìm thấy trong phòng ngủ. Không tìm được hung khí, nhưng vết thương rất nặng, Ngài hẳn đã qua đời ngay tại chỗ. Đây là tuyệt mật từ tay công tử Thanh. Hẳn Triều đình cũng nghe tới lời tương tự. Nhưng mà…”


Y nói đến đây, dường như là hơi nghẹn. Bức thư Lưu Thanh báo về cái chết của anh trai hắn đang đặt trên bàn, nhưng y vẫn cảm thấy sức nặng ngàn cân của nó đè ép trong bụng y.


“Thế tử Lưu Thương chỉ tuyên cáo rằng Vương gia qua đời do bạo bệnh.”

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Lời của tác giả:

Phi Vân trạm: tên gọi chung của các trạm dịch đưa thư, có thể coi nó như các bưu cục hiện đại. Giữa các Phi Vân trạm có các tuyến đường tắt riêng, được gọi là các Phi Vân đạo, nên truyền tin rất nhanh, như mây bay, nên mới gọi là Phi Vân.

Giám huyện/ Giám quận: chức quan chủ quản dân sự ơ cấp huyện/quận, được Triều Đình bổ nhiệm thông qua thi cử, được phép hoạt động độc lập ngoài lệnh của Vương phủ và Hầu phủ trong trường hợp khẩn cấp.

Giám Duyệt Đốc: gọi/viết tắt của chức Giám Duyệt Đốc Tuần tra Mã thượng quan, một chức vụ được bổ nhiệm bởi Triều Đình Đại Bàng qua thi cử, có nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra, đốc thúc, đánh giá các quan chủ quản dân sự địa phương như Giám huyện hay Giám quận, được phép hoạt động độc lập không nhận lệnh của Vương, Hầu địa phương, chỉ nhận lệnh trực tiếp của Triều Đình.

Nội Đình và Ngoại Đình: Là hai phần của Triều Đình trung ương Đại Bàng. Nội Đình bao gồm Hoàng Đế, ngoại thị (xem lời tác gải chương 1) của Hoàng Đế và các con của Hoàng Đế cùng Thượng trụ quốc, tùy trường hợp còn có thể có các Đại Ngự thị và các quan được Hoàng Đế đặc cách. Ngoại Đình bao gồm các quan lại cấp cao của năm bộ, ba ban (tương tự hệ thống Nội Các hay Lục Bộ). Cụ thể ra sao, hạ hồi phân giải.

Trữ quân: Cho đến hiện tại, Định Phủ vương đang là Thái tử đương triều.

Tất cả các chức vụ và tên riêng lạ lạ đều là tự tác giả bịa ra, không có trên thực tế.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chương 0: Đỏ mắt

Chương 1: Canh năm