Chương 1: Canh năm

Có nhiều lúc sẽ như vậy, trong một giấc mơ quái gở nào đó, con sói sẽ ở phía bên kia song sắt, và đứa trẻ sẽ ở bên còn lại. Ngoài và trong cũi, đoán ước là vậy. Và luôn luôn, chúng sẽ nhìn thấy nhau. Gầm gừ, gào thét, hoặc yên bình. Rất nhiều viễn cảnh. Nhưng đêm nay, sói lê lết bộ lông đen tuyền bết dính chằng chịt vết cắt, và máu nóng đổ theo bước chân nó, cho đến khi thân nó hồ như dán chặt vào cũi. Mõm nó gác vào, nanh nó hửi lên đứa trẻ đang co ro trong cái cũi đen như mực ấy. Màu lông nó đen như tóc của đứa bé. Nanh nó trắng dã như da đứa bé. Ba mắt nó đỏ, đôi mắt đứa trẻ ấy cũng đỏ như vậy. Chúng cứ lặng lẽ nhìn nhau, không một thanh âm nào chạm đến đêm đen bất tận quanh chúng. Rồi lông nó hòa vào bóng đêm, và chỉ còn mắt nó, ba viên mã não, cứ mãi treo lơ lửng ở đó. Đỏ rợ.


Lý Tình mở bật hai mắt, trên trán vẫn ướt đẫm mồ hôi vì cơn đau đầu mãi không nguôi. Trước mắt, xà gỗ trên cao trông như uốn lại, loang ra, trườn như lũ đỉa rồi tản đi mất, rồi chúng lại hóa hình, nắn thẳng ra thành đám xà ngang thật. 


Đỏ rợ.


Chưa hết cơn choáng váng, nàng ôm đầu ngồi dậy, vùi đầu vào cánh tay mà thở dốc. Ngay cả khi đang che kín mắt mình, ngay cả khi phòng chìm trong bóng tối, nàng vẫn thấy rõ mồn một những con mắt đỏ ngầu đang nhìn chằm chằm vào chính mình. Nàng hoảng hốt đưa tay sờ soạng cơ thể, trong vô thức, nàng cảm thấy như mình đang đổ máu, như thể mình cũng đang thấm đẫm máu tươi và đầy rẫy thương tích. Nhưng không có vết thương nào cả. Đôi tay đang sờ soạng dẫn bình tĩnh lại. Lý Tình nhớ ra cơn đau chạy khắp cơ thể mình không phải do một vết thương hở nào cả, hơi thở cũng dần bình ổn lại. Trái tim đang nhảy loạn trong lồng ngực nàng cũng dần bị ép xuống. Tựa như cơn cuồng phong đi qua, mọi thứ lại lắng lại. Tất cả đều thật quen thuộc. Nhưng khi cảm nhận cơn đau nơi lồng ngực, nàng không khỏi rùng mình mà tự hỏi nếu như nàng tỉnh lại chậm hơn chút nữa thì trái tim ấy có nổ tung không. Hình ảnh sói lại hiện lên ngay trước mắt. Lý Tình lắc đầu, cố gạt bớt cảnh tượng ấy ra khỏi đầu. Nhưng đầu lại đau inh ỏi theo động tác ấy.


“Đúng là cái tiết trời khốn nạn…” Nàng lẩm bẩm, ngửa đầu đập mạnh vào bức tường phía sau lưng.


Trời chưa sáng, nhưng nàng đã thấy nóng ran khắp người. Nàng cố thở thật bình tĩnh, nhưng cơn đau khắp cơ thể vẫn chạy rần rần theo từng mạch máu, xương và thịt như muốn rời khỏi nhau và trí óc thì mờ đi theo nhịp tim cứ chực chờ dồn dập trở lại. Cả tai cũng đau nhức không ngừng vào mùa hè, thứ mùa quái quỷ ẩm ướt và nóng ran. Ve, ếch thì cứ ong ong không ngừng. Tưởng như đời chúng không có ngày hay đêm. Thật khó tin khi trên đời lại có khoảnh khắc nào đó mà ở chốn yên tĩnh nhất, đến bầu trời còn chẳng buồn đón một gợn mây, lá còn không đón một gợn gió, và nắng còn chẳng chen vào chốn tối tăm riêng biệt, con người ta vẫn tránh không nổi sự ồn ã. Và “khoảnh khắc” ấy có thể kéo dài đến cả tháng.


Mùa hè!


Sau một lúc lâu tựa tường ôm trán, Lý Tình mới hồi đủ sức để đẩy mở cánh cửa phất giấy vân mây. Hai cánh tay gầy tựa lên bệ gỗ mun, khuỷu tay nhọn hoắt như đâm xương trắng vào gỗ mun. Từ sau lưng, ngay cả cách màn áo, cũng dễ dàng thấy xương bả vai nhô ra như cánh bướm. 


Trời chưa hề sáng, mọi thứ còn chìm trong màu đen tím, trăng lưỡi liềm vẫn treo cao. 


Gió luồn qua khung cửa mới mở. Hơi sương man mát phà vào, làm dịu chút nào cơn quằn quại. Cuối cùng, Lý Tình cũng có thể hít một hơi thật sâu, dù cơn nhức mỏi và cảm giác thiêu đốt trên hai con mắt đã nói rõ rằng quầng thâm đen chẳng thể tan bớt chút nào, nhưng nàng vẫn cảm thấy mình có thêm chút sức sống.


Tiếng mở cửa có vẻ đã thu hút người hầu bên ngoài. “Thế tử…” Nữ tỳ thận trọng lên tiếng. Dù đã năm năm nàng ta phục vụ bên cạnh thế tử của mình, nhưng những lần thức giấc giữa đêm như thế này của nàng luôn rất khó đoán, hầu hết đều khiến tâm tình chủ nhân nhỏ của nàng ta tệ đi.


”Canh mấy rồi?” Lý Tình hỏi.


“Dạ, vừa sang canh năm ạ.” Nữ tỳ thấy giọng nàng bình thường, khẽ hờ phào rồi nhanh chóng đáp, nghĩ rồi nhìn sắc trời, lại bồi thêm, “ Con mang cho Ngài một ấm trà gừng nóng nhé? Đá nóng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng rồi ạ.”


“Không cần đâu. Ta không ngủ nữa.” Lý Tình nói, rồi xoa dụi thật mạnh lên mặt mình. Cơn đau vẫn âm ỉ, và cảnh tượng trong mơ vẫn rõ mồn một, đến mức nàng cảm tưởng chỉ cần mình nhắm mắt lại và nằm xuống, mọi thứ sẽ bị xé toạc ra và sụp đổ. Không thể ngủ nổi. “Đừng đánh động ai cả, chuẩn bị cho ta một cây đèn. Ta sẽ luyện tập nửa canh, khi ấy thì chuẩn bị quần áo, đúng giờ Mão ta sẽ đến chỗ Vương phi.”


Nữ tỳ lập tức vâng lời, cúi đầu lùi đi không tiếng động. 



Có một khu vườn ở phía đông vương phủ Lũy Xương. Một khu vườn rất rộng, và rất cổ. Cây tùng ở giữa sân đã được trồng từ khi viên gạch đầu tiên của vương cung Lý thị được xây lên, khi Lũy Xương còn là một vương quốc Đại Xương của riêng nó và chưa quy thuận Đại Bàng, Điểu thần của Đại Xương từng đậu trên cành lá của nó cất ba tiếng gáy, và vị vua Lý thị đầu tiên từng giác ngộ thăng thiên dưới bóng râm nó tạo ra.


Với những đứa con của Lũy Xương mà nói, nó là nơi thiêng liêng nhất trên đời. Khi vương cung rực cháy trong biển lửa hai thế kỷ trước, mọi thứ đều cháy rụi, nhưng cây tùng này vẫn đứng sừng sững, tán lá vẫn xanh rì. Và chẳng còn gì có thể quan trọng hơn thế. Những đứa con của Lũy Xương lại xây nên vương cung xung quanh cây thần. Cây thần lại tiếp tục che chở họ.


Với Lý Tình mà nói đây là một khu vườn tuyệt đẹp, có một chút hoang sơ mang sức sống mãnh liệt, một hồ nước tĩnh lặng trong trẻo, và cây tùng cổ thụ luôn thổi mát bầu không khí quanh nó. Mỗi khi nàng luyện tập, kể cả những bài tập khắc nghiệt căng thẳng nhất, nàng đều tìm đến nơi đây. 


Khu vườn nằm ở phía tây bắc vương phủ, ngay sau lưng chính điện, cách dãy tả trạch mà vương ở non một nén hương đi bộ. Có thể quãng đường ấy không hẳn dài đến vậy, nhưng Lý Tình đi từ từ thoải mái sẽ hết gần hai nén hương, đi nhanh thì cũng sẽ phải tốn một nén.


Mệt thì chắc chắn là có mệt, nhưng bóng mát và một chút riêng tư nàng có được tại đây xứng đáng với quãng đường ấy. Nhiều khi là để luyện tập những thứ thầy nàng không thích nàng làm, nhiều khi là để đọc sách luyện chữ vẽ tranh, kéo tâm trí nàng ra khỏi những suy nghĩ u ám mệt mỏi. Có đôi khi chỉ là ngồi dưới tán cây, ngâm một điệu nhạc, nghĩ hai ba câu thơ. Cây tùng sẽ lắng nghe, tán lá kim sẽ reo lên nhẹ nhàng và chẳng bao giờ quấy rầy suy nghĩ riêng tư của nàng.


Nhưng bất kể khung cảnh tươi đẹp nào như vậy sẽ không diễn ra hôm nay.


Lý Tình không bất ngờ, nàng chỉ bước vào thắp lửa lên những giá đèn quanh đình, cố gắng lờ đi người đang đứng trong sân.


Nhưng rõ ràng bà không tới đây để hóng mát.


“Con mặc mỏng quá.” 


Lý Tình không đáp lại mà nhàn nhạt hỏi. “Bông hoa nhỏ của thầy bay nhanh đến vậy sao?” Nàng quay đầu sau khi thắp xong giá đèn cuối cùng, ánh lửa giờ đã đủ soi sáng gương mặt người phụ nữ trẻ đứng dưới hiên, một gương mặt trẻ, tươi tắn và không tì vết đến mức quái dị. Một đôi mắt đỏ rực. Nhiều người kính sợ bà vì ánh mắt này. Nhưng Lý Tình không bao giờ cảm thấy nó đỏ được như mắt sói. Nàng không sợ đôi mắt này. Chưa bao giờ. “Có lẽ lần sau con nên dặn cô ta khăn gói rời phủ.”


“Năm năm cưỡi hổ của nó đâu phải ai cũng làm được, chưa nói đến Thế tử tâm tư khó dò, lệnh bài Tả nội vụ chưởng thị của vương phủ chúng ta càng không dễ đeo. Ở thế nghé nắn gân trâu, nếu không có chút gan cãi lời Thế tử này, có khi đã chẳng ngẩng nổi đầu trước Hữu thị. Vũ Hoa là đứa có bản lĩnh. Cũng là đứa dám vì chủ chịu thiệt.” Phụng Hạc phất nhẹ tay áo, đôi hoa tai hình lá bồ đề bằng vàng lá của bà gần như chói mắt khi bà quỳ xuống, gần ngay sát ngọn đèn Lý Tình cầm trên tay. Chỉ cần hơi ngước mắt, bà đã ngang tầm mắt đứa học trò nhỏ của mình. “Nó nói với ta rằng Thế tử không muốn trở về buồng để nghỉ ngơi, và muốn tự mình luyện tập cho đến tận sáng dù người mới chỉ ngủ có hai canh giờ. Ta nghĩ rằng sự lo lắng của nó là xác đáng đấy chứ. Trông con còn sắc mặt con còn tệ hơn hôm qua.”


Lý Tình xoay người để đèn ngay ngắn lên bàn đá giữa hiên rồi ngồi bệt xuống bậc thềm. “Thầy đâu cần phải đến tận đây chỉ vì thế. Vũ Tả thị nói quá lời. Con nổi hứng thôi.”


“Nổi hứng à?” Phụng Hạc vén áo, uyển chuyển ngồi xuống bên cạnh nàng, bà vén lại một sợi tóc mai mảnh lộ ra đến là bắt mắt bên tai trái Lý Tình và bật cười khi nàng né tay bà ra. Bà vẫn đưa tay tới, khi Lý Tình không né được nữa, bà nắm lấy cổ áo rộng xếp ngay ngắn của nàng. Hai lớp giao lĩnh một trắng một đỏ mỏng tang, đã hơi thấm lạnh vì sương. “Cứ coi là thế, thì con nổi hứng mặc như này là ốm đấy. Dù sói có yêu thương con cách mấy thì sức khoẻ con cũng không chịu nổi cách sống này đâu.”


Lý Tình căng cứng đôi vai, lách ra khỏi bàn tay Phụng Hạc, chỉ muốn nép đi đâu đó không phải nghe những lời này của bà. Dối trá. Phụng Hạc nói rất nhiều, và nàng đã mất cả mười hai năm, từng thời khắc tồn tại trên đời này để cố gắng kiên nhẫn với chúng, chỉ để càng nhận ra chúng giả tạo và vô nghĩa đến mức nào. Thà rằng bà đừng cố để tỏ ra thân thiết thì hơn. Khi ấy thì ý tứ của bà sẽ trở nên đáng nghe hơn nhiều cũng nên. 


“Con lại mơ thấy sói.” Lý Tình thành thật, chẳng có gì đuổi được thầy đi ngoài câu trả lời bà muốn. Nhưng ngay cả thế, nàng lại vẫn không muốn nói tiếp.


“Ồ,” Phụng Hạc tỏ vẻ hứng thú bất ngờ, đến mức Lý Tình đồ rằng bà đã biết trước cả, “con đã không mơ thấy sói được cả năm nay rồi.”


“…”


Đối mặt với sự im lặng của Lý Tình, cuối cùng bà nhoẻn cười, cúi thấp nói sát bên tai nàng, con ngươi càng rực đỏ: “Con nói dối tệ giống hệt cha con đấy.”


“…” Lý Tình sầm mặt lại, nàng quay phắt mặt sang đối diện bà. Nàng càng ngày càng ghét gương mặt này. Một gương mặt trẻ trung, trắng bóc, căng đẫy đà, với đôi môi và mày mắt cong cong như lúc nào cũng cười. Thầy luôn thích vẻ ngoài như vậy, còn nàng thì cảm thấy nó buồn nôn, đáng ghét hệt như những lời bà tuôn ra khỏi miệng. Ánh nhìn lạnh buốt của nàng đối đầu với cặp mắt đỏ rực của bà rất lâu, lời mới âm trầm đáp. “Con sẽ chết.”


Sớm hơn cả tiên liệu của thầy, nàng thầm nói trong đầu, nếu con thực sự có cơ may.


Phụng Hạc không đáp gì, nhưng bà không cười nữa. Bà biết rõ khi nào học trò bà nói thật.


“Con mơ thấy sói đang chết.”


Nàng khẳng định lại.


Phụng Hạc trầm ngâm, câu nói trườn dọc xương sống bà. Bà có rất nhiều suy nghĩ về những giấc mơ của đứa trẻ mới này, mười hai năm qua, không ít lần nàng làm bà rợn gáy vì những giấc mơ ấy, nhưng lần này còn đáng sợ hơn bất kể lần nào trước đây. Có lẽ Sói thực sự yêu mến đứa bé hơn bà nghĩ.


“Ba bốn canh giờ ngồi bàn giấy mỗi ngày là quá đủ nuôi ác mộng rồi. Ta sẽ bảo người xem thuốc giúp con an thần đôi chút.” Phụng Hạc nói. “Tạm thời nghỉ luyện tập đi. Kỹ năng có thể rèn giũa sau, sức khỏe là trên hết.”


“Thầy cũng chẳng khá hơn con là bao.” Lý Tình cười khẩy trước phản ứng của bà. “Chỉ cần con nói về sói, thầy sẽ nói dối tệ hơn hẳn. Sẽ mất bao lâu để con lại nghe thấy tin gì đó trời long đất lở đây? Có khi đó là lý do sói báo mộng cho con cũng nên ấy.”


Phụng Hạc nhìn đứa bé ngồi bên cạnh bà, thản nhiên, chán nản, khi nói những lời ấy. Bà chợt nghĩ đến người anh em đã chết với bàn tay vẫn nắm chặt bùa hộ mệnh của Sói, Thú Vệ chặt đầu y và mang nó đi mất, nhưng bà biết, y đã tụng lời cầu nguyện đến Sói vào những giây phút cuối đời. Giống như bao người khác. Nhưng đứa trẻ này, theo bà nghĩ, không hề có chút tôn thờ nào với Sói.


Như một đứa con thực thụ của Lũy Xương Lý thị, bà nghĩ.


Nhưng lời đến miệng thì vẫn khác.


“Bất kể điều gì chúng ta làm, không phải chúng ta làm thì cũng sẽ có kẻ khác làm thôi. Nếu như nói nó là sai trái, vậy hết thảy kẻ thù của chúng ta còn sai trái hơn.” Phụng Hạc ngồi gần Lý Tình hơn, bà nói. “Tình yêu Sói dành cho các con của Người giống như chính Người vậy, là vĩnh hằng. Con phải tin.”


“Tin.” Lý Tình lặp lại giọng điệu của bà, giọng như giễu cợt.


“Niềm tin,” Phụng Hạc nói lửng lơ, rồi đưa tay lấy chiếc lược đang cài trên búi tóc gọn gàng của Lý Tình xuống, “là tất cả những gì chúng ta có. Và cũng là mọi thứ chúng ta cần. Không phải sao?” Một chiếc lược bạc đính Xích Thạch. Bạc trắng được chạm khắc dưới tay thợ nghề nổi tiếng của Huỳnh An, những món trang sức những nghệ nhân ấy làm ra ở trên tay và cổ của những vương công quý tộc quyền quý nhất Đại Bàng này. Ngay cả hoàng đế của Đại Bàng. Bạc khắc nổi đôi cánh thẳng ba đường lông vũ, nền chạm hoa văn vân mây cùng sóng nước. Đính lên trên bạc trắng, là một viên Xích Thạch, nhỏ, nhưng được chính tay Phụng Hạc làm ra. Không có gì ở Đại Bàng này quý hơn Xích Thạch. Và viên đá đỏ này ắt hẳn còn quý giá và tinh khiết hơn cả phần nhiều Xích Thạch được trang hoàng chốn Hoàng cung. Tròn vành vạnh và đỏ rực màu máu tươi, trong suốt không một vết vẩn đục, ngay cả trong bóng tối cũng có thể nhìn thấy rõ sắc đỏ của nó, nhưng không hề phát quang. Nhẹ như lông hồng, đính lên mây và sóng, xen giữa cánh chim của Lũy Xương, tựa như mặt trời trên biển trời rực rỡ. Miêu tả chính xác tên của chủ nhân nó. Lý Tình, ánh sáng của Lũy Xương. Một món quà vô giá. Phụng Hạc đã tặng chiếc lược cho nàng từ khi Lý Tình còn đang cuộn tròn trong vòng tay của Trịnh Vương phi, một đứa trẻ chưa biết đi, chưa biết nói.


Lý Tình nhìn chiếc lược bạc trên tay bà, nàng nghe thấy tiếng nói phát ra từ nó. Phụng Hạc luôn như vậy, khi bà đưa chiếc lược xuống cho nàng nhìn, bà biết nàng có thể nghe được những lời bà muốn nói.


Chiếc lược rất nhẹ, những người tạo ra nó là những đôi tay khéo léo nhất, lão luyện nhất, và họ đã cố gắng đảm bảo điều đó. Một cánh chim thì phải nhẹ, thanh thoát. Lũy Xương khác với bất kỳ phần nào của Đại Bàng. Họ không muốn treo những lắc bạc nặng nề trên cổ và tay, hay gắn nanh trắng nanh đỏ trên trang sức của mình để chúng reo lên, kéo họ xuống theo từng bước đi. Chúng phải nhẹ. Đủ nhẹ để Thế tử có thể nhẹ bước công danh, buồm thuận lướt gió. Đủ nhẹ để Thế tử có thể tâm minh như ngọ nhật, trí hiển như hạ không. Đủ nhẹ để Thế tử có thể lòng dạ bao la như trời biển, thâu nạp hiền tài khắp tứ phương. Nhưng đủ nặng, để Lý Tình không bao giờ được phép quên.


Thời gian trôi nhanh. Đã mười hai năm kể từ khi họ gài chiếc lược này lên tóc nàng, từ khi họ biết đến nàng, từ khi họ chỉ có duy nhất một lựa chọn là nàng. Đứa trẻ ấy sinh ra đã có tóc, trên tóc nó cài chiếc lược này, nên nó là chân mệnh của Lũy Xương, chân mệnh của Lý thị. Lý Tình thấy mười hai năm ấy rất dài.


Nhưng quãng còn lại thì trông thật ngắn. Có lẽ họ sẽ phải thất vọng. Chiếc lược quý giá này có lẽ nên dành cho ai đó khác, miễn là thầy nàng tìm được người tiếp theo đeo nó, người mà bà tin rằng xứng đáng với viên Xích Thạch của bà.


Lý Tình nhận lại chiếc lược từ tay Phụng Hạc. Phụng Hạc hiển nhiên biết rõ học trò của bà hiểu được điều bà muốn nói. Bà rời đi, ném lại lời dặn dò vô nghĩa nào đó, đằng nào, chỉ cần Lý Tình còn chịu đeo chiếc lược này, thì bà vẫn đang nắm thế cờ trong tay. Ngay cả nếu bây giờ đứa trẻ thực sự định phá hoại cơ thể nó đến sáng, nó cũng sẽ giữ cho chính mình sống sót, với bà vậy là đủ. Lý Tình chăm chú nhìn chiếc lược trong tay, nó rất đẹp. Người khắc ra nó thực sự rất giỏi. Viên Xích Thạch do Phụng Hạc tạo ra thực sự rất tinh tế. Nhưng thật nực cười. Ngay cả khi mây và sóng như đang uốn lượn, đôi cánh chim như thật sự đang bay lên, chao liệng, khi mặt trời đỏ rực như thật sự đang chiếu rọi giữa trời quang, thì nó vẫn chẳng hơn gì một chiếc lược. Mây không trôi, và sóng không chuyển, đôi cánh đứng yên và Xích Thạch lạnh lẽo.


Khoảng sân tĩnh lặng như tờ. Mọi thứ như chững lại trong chốc lát. Tiếng lá kim bỗng reo lên, nhẹ nhàng theo làn gió, du dương như một lạch nước trôi đến từ thuở hồng hoang. Lý Tình ngước mắt lên nhìn theo tiếng reo, tán tùng um sùm ánh lên sắc xanh trầm trầm trong đêm đen.


Nàng nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, mùi hương cổ thụ như ôm tới tận nơi bậc thềm. 


Ve lại kêu. 


Nàng mở mắt ra theo dòng ồn ã kéo nhau xô tới.


Chân trời vẫn chưa sáng. Nhưng trăng lại đã mờ dần.


Vài giá nến đã sắp cháy cạn. Lý Tình lẳng lặng dùng lược cài ngay ngắn lại búi tóc. Nàng thay bấc nến rồi châm lửa cho hoả lô trong sân. Thanh đoản đao bên hông được rút ra, lưỡi đao đen hơn cả trời đêm. Nàng hơ nó qua ngọn lửa. 


Nàng sẽ luyện tập. 


Sắc đỏ ửng lên trên lưỡi sắc. 


Ít nhất, nàng còn có thể luyện tập.


-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Lời của tác giả:

Lý Tình: họ Lý bình thường, Tình (晴) là trời quang, trời nắng, chứ không phải "tình" trong tình cảm. Cảm thấy dễ hiểu nhầm nên chỉ rõ ở đây.


Tả nội vụ chưởng thị/Hữu nội vụ chưởng thị (gọi tắt là Tả thị/Hữu thị): là người hầu chưởng quản các công việc nội vụ (ăn mặc, sắp xếp đồ đạc, tiêu dùng, người hầu v.v...) của hai tòa trạch viện. Tả thị chưởng quản tả trạch viện, tả trạch viện (tức là dãy nhà bên trái) là nơi chủ của phủ đệ ở, trong trường hợp này, là nơi ở của Lũy Xương Vương, Lý Tình đang ở đây. Hữu thị chưởng quản hữu trạch viện, hữu trạch viện là nơi ngoại thị (vợ hoặc chồng của chủ phủ đệ) và các con của chủ phủ đệ ở, trong trường hợp này là Vương phi và Thế tử cùng các công tử, công nữ. Chủ là nam thì chọn chưởng thị nam, chủ là nữ thì chọn chưởng thị nữ, Hữu thị sẽ được ngoại thị chọn, nếu ngoại thị không còn thì do Thế tử hoặc đại công tử/công nữ chọn. Chức này là bịa, ngoài đời không có thật. "Thị" trong "chưởng thị" là "侍", tức người hầu. "Thị" trong "ngoại thị" là "氏", tức họ, ngoại thị chính là họ ngoại.


Đại Xương: tương tự Đại Bàng, Xương là tên đất (tương tự đất Việt, đất Tần...)


Xích Thạch: xích là đỏ (như xích tử, xích thố), thạch là đá (như cẩm thạch). Xích Thạch là một loại vật liệu, có nhiều chủng, không nhất thiết phải có màu đỏ, nhưng màu đỏ là chủng tốt nhất. Về sau sẽ giải thích kỹ thêm.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chương 2: Phi Vân

Chương 0: Đỏ mắt